Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Những năm qua, Thành ủy và các cấp ủy đảng, chính quyền của thành phố luôn chú trọng quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm;
Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đặc biệt là Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 25/8/2016 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm”; đồng thời, chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý cán bộ, đảng viên liên quan đến tham nhũng, lãng phí... đã mang lại kết quả bước đầu quan trọng về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và công tác kiểm tra, giám sát để phòng, chống tham nhũng ở một số cấp ủy cơ sở, nhất là tổ chức cơ sở Đảng chưa được quan tâm đúng mức; một số trường hợp vi phạm, sai phạm chưa được xử lý nghiêm; chưa chủ động phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm; Thành ủy ban hành Nghị quyết “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trên địa bàn thành phố Cần Thơ” với những nội dung như sau:
I- QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU
1. Quan điểm
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội trong lãnh đạo, chỉ đạo phải có sự quyết tâm, quyết liệt, kiên trì, hiệu quả.
Quá trình tổ chức thực hiện phải bám sát mục tiêu, quan điểm của Đảng và Nhà nước đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi
tham nhũng lãng phí, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí; tiến hành kiên trì, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng; phát huy cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng.
2. Muc tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
Tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức Đảng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, đặc biệt là đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn thành phố.
Khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo chuyển biến sâu sắc, rõ nét nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trên địa bàn thành phố, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các chi bộ đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào sinh hoạt định kỳ.
- 100% các cấp ủy, tổ chức đảng hàng năm ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại cơ quan, đơn vị đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
- Các cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng và thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm có nội dung về phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo thẩm quyền.
- Đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm pháp luật về tham nhũng, lãng phí đều được xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
II- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong hệ thống chính trị đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị
Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động và tổ chức học tập, quán triệt cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nắm vững các quan điểm và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là việc thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X); Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 25/8/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm; công tác phòng, chống tham nhũng gắn chặt với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và các hành vi bao che tham nhũng; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu đúng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Quy định số 03-QĐ/TU ngày 06/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Các cơ quan khối nội chính tiếp tục nâng cao vai trò trong việc phối hợp tổ chức thực hiện tốt các quy định, quy chế phối hợp trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, nhất là các quy định phối hợp giữa Ban Nội chính Thành ủy với Đảng ủy Công an thành phố, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân thành phố, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Thanh tra thành phố và giữa Ban Nội chính Thành ủy với Ban Thường vụ các quận ủy, huyện ủy nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, nhất là trong việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
2. Tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nghiêm các quy định ve công tác tô chức cán bộ
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, nhất là ở các cơ quan, đơn vị, những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng.
Thực hiện tốt công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, công chức theo Quy định số 1826-QĐ/TU ngày 31/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố; tiến hành rà soát các quy định về bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền, không để lọt vào cấp ủy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng.
Việc đánh giá về phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác của cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đúng thực chất, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, thay thế những cán bộ, công chức, viên chức có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là đối với những cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án...; đồng thời, lựa chọn, bổ nhiệm, phân công những cán bộ, công chức, viên chức liêm chính, trung thực, trong sạch, làm việc công tâm, tuân thủ đúng quy định nhằm đảm bảo ngăn chặn, khắc phục tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong thực thi công vụ.
Cấp ủy cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; đảm bảo thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi và được thực hiện bằng văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Việc chuyển đổi vị trí công tác phải được thực hiện theo kế hoạch và được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định.
3. Kiểm soát tài sản, thu nhập; công khai, minh bạch trong thực thi công vụ
Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát về minh bạch tài sản, thu nhập hàng năm tại các đơn vị, địa phương, kịp thời phát hiện xử lý những tổ chức, đảng viên vi phạm việc kê khai tài sản, thu nhập và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định. Nâng cao chất lượng công tác tự kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức góp phần thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng ngay từ cơ sở.
Tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó chú trọng công tác cải cách hành chính, thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Có giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa tham nhũng trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như quy hoạch, quản lý tài sản công, đầu tư công, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài chính; công khai về đấu thầu công trình, dự án; quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết công việc... trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại nơi làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và nhân dân tham gia quản lý, giám sát. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là những nơi thường xuyên giao dịch với người dân, doanh nghiệp, có giải pháp giám sát hiệu quả để cán bộ, công chức, viên chức không có điều kiện nhũng nhiễu, tiêu cực.
Thực hiện công khai báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng trên cổng thông tin điện tử hoặc phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ hoặc đột xuất về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức và kết quả xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng mà dư luận xã hội quan tâm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định Luật Tiếp cận thông tin.
4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tô, xét xử; nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hôi tài sản tham nhũng
Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra trong nội bộ, trách nhiệm thủ trưởng, người đứng đầu trong thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực tham nhũng như quản lý, sử dụng nhà, đất công, chi tiêu ngân sách, đấu thầu các dự án đầu tư công, thủ tục hành chính công có liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Các cấp ủy đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch phòng, chống tham nhũng cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức đúng quy định; Chương trình kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng hàng năm phải có nội dung về kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, đó là căn cứ để xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm.
Thực hiện tốt công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra theo Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 02/5/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sau thanh tra, kiểm tra. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phát hiện, xử lý tham nhũng theo Công văn số 1338-CV/TU ngày 15/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố; xử lý kiên quyết, kịp thời đúng quy định đối với những hành vi tham nhũng và những người bao che hành vi tham nhũng, ngăn cản việc chống tham nhũng. Trong xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm về tham nhũng phải tiến hành đồng bộ, kịp thời, nghiêm minh giữa kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính của Nhà nước.
Thực hiện tốt việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, tạo mọi điều kiện để người dân thông tin phản ánh về tham nhũng, lãng phí, đặc biệt là tố cáo, phản ánh trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị và bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Các cơ quan bảo vệ pháp luật nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu trong việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng theo tinh thần Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác xử lý các vụ án, vụ việc; Công văn số 23-CV/BCĐTW ngày 01/8/2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan trong quá trình xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, chỉ đạo phải đúng theo quy định của pháp luật.
Nâng cao chất lượng công tác điều tra, đồng thời đẩy nhanh tiến độ điều tra án tham nhũng; kiên quyết áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để bảo đảm thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc, vụ án tham nhũng; khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ trong công tác giám định liên quan các vụ án tham nhũng.
Viện kiểm sát nhân dân thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, chức vụ; các vụ án kinh tế, tham nhũng được kiểm sát ngay từ khi khởi tố và bảo đảm ban hành quyết định truy tố đúng thời hạn.
Tòa án nhân dân nâng cao chất lượng xét xử án tham nhũng, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; hạn chế đến mức thấp nhất án tham nhũng bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; các bản án tham nhũng tuyên rõ ràng, không gây khó khăn cho công tác thi hành án; xử nghiêm theo quy định pháp luật đối với các vụ án tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm.
Ban Nội chính Thành ủy theo dõi, đôn đốc, phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, chỉ đạo nhất là các vụ việc, vụ án mới phát hiện và các hành vi “tham nhũng vặt” xảy ra trên địa bàn thành phố.
5. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử và xã hội
Phát huy cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng. Tăng cường trách nhiệm của Hội đồng nhân dân trong giám sát phát hiện, xử lý tham nhũng, trước hết là giám sát hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng. Phát huy tốt hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thường xuyên lắng nghe, ghi nhận và xử lý các kiến nghị của người dân. Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia giám sát, phát hiện, phản ánh, tố cáo các hành vi tham nhũng và bảo vệ, khen thưởng đối với người tố giác đúng các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, đe dọa, trả thù người tố giác, tố cáo tham nhũng, tiêu cực hoặc lợi dụng việc tố giác, báo tin về tội phạm để vu khống, làm mất an ninh trật tự.
Các cơ quan báo, đài của thành phố đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về chính sách, pháp luật và hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, liêm chính, không thờ ơ, tiếp tay tiêu cực, tham nhũng; tuân thủ các quy tắc, văn hóa ứng xử văn minh; tích cực, chủ động phát hiện, phản ánh, tố cáo các biểu hiện, các hành vi tham nhũng, lãng phí; thông tin kịp thời, chính xác, trung thực cho các cơ quan chức năng, đảm bảo đúng bản chất, sự thật, không chủ quan, đưa thông tin sai lệch.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết này; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị.
2. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố lãnh đạo Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố cụ thể hóa Nghị quyết để tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả.
3. Các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội căn cứ mục tiêu, quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp được xác định
trong Nghị quyết để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả thiết thực.
4. Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân thành phố, Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân thành phố, Đảng ủy Công an thành phố, thủ trưởng các cơ quan khối nội chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện tốt Nghị quyết này.
5. Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Thành ủy và các cơ quan liên quan tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; định hướng cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng; tham mưu xử lý vi phạm quy định về quản lý, cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng và những hành vi lợi dụng việc phòng, chống tham nhũng để xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây mất đoàn kết nội bộ.
6. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xử lý hành vi vi phạm tham nhũng đảm bảo đúng quy định.
7. Giao Ban Nội chính Thành ủy chủ trì, phối hợp cùng các ban xây dựng Đảng của Thành ủy và các ngành chức năng theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết này; định kỳ báo cáo Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy.
Nghị quyết này triển khai, quán triệt đến chi bộ.
- 17nqtu.signed (1).pdf (153 Downloads)